Saturday 27th July 2024
Durbar Marg, Kathmandu

Nếu bạn là một người yêu thích các chương trình truyền hình, đặc biệt là chương trình truyền hình Hàn Quốc như Running Man, 2 ngày 1 đêm… thì có lẽ “PD” là từ không còn quá xa lạ. Hiện nay, nghề PD ở Việt Nam cũng ngày càng phổ biển hơn nhờ vào sự phát triển của các chương trình giải trí thú vị. Nếu bạn chưa hiểu rõ PD là gì thì hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.

PD là gì?

PD là từ viết tắt của Project Director hay Producer, là giám đốc dự án hay người có nhiệm vụ chịu trách nhiệm, lập kế hoạch và điều hướng một dự án nào đó. Trong lĩnh vực ngành giải trí, PD là đạo diễn và nhà sản xuất của một chương trình truyền hình. Đây là người sẽ chỉ huy và điều hướng mọi người bao gồm đội ngũ ekip làm việc.

Trách nhiệm công việc của một PD gồm những gì?

PD thường sẽ nắm hai nhiệm vụ chính là sản xuất nội dung của chương trình đồng thời chỉ đạo hoạt động trong quá trình thực hiện chương trình. Trong nhiều trường hợp, PD cũng có thể tham vào việc chỉ đạo máy quay để cho ra những hình ảnh, đoạn phim chất lượng nhất. Bên cạnh đó còn có các công việc như phê duyệt ngân sách sản xuất hay làm việc với biên tập viên.

Tuỳ thuộc vào quá trình sản xuất, PD có thể chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ chương trình hoặc chỉ một số phần nhất định của chương trình, chẳng hạn như chèn các đoạn nhỏ tin tức hoặc những thước phim được yêu cầu vào một chương trình giải trí thực tế.

PD thường có trợ lý sản xuất và đội ngũ nghiên cứu cùng hợp tác để tìm kiếm thông tin, địa điểm ghi hình, đạo cụ, tài liệu cần thiết và thử vai, lựa chọn diễn viên, khách mời cho chương trình. Trước khi ghi hình, PD sẽ tạo ý tưởng và viết kịch bản quay, trong đó gồm chi tiết những gì họ sẽ quay, câu thoại, lịch trình… sau đó sẽ cùng họp bàn lại với đội ngũ của mình để đảm bảo sự hợp lý, tính thống nhất, an toàn và các nguyên tắc cần tuân thủ.

Tố chất để trở thành một PD thành công là gì?

Khả năng sáng tạo

PD cần có khả năng sáng tạo, đổi mới không ngừng để tạo ra nhiều nội dung khác nhau, kịch bản hấp dẫn, thu hút khán giả. Bên cạnh đó, khả năng viết tốt cùng phong cách tinh tế, độc đáo trong lối suy nghĩ, am hiểu mọi người sẽ là chìa khoá dẫn đến sự thành công cho PD.

Kỹ năng giao tiếp

Công việc của PD buộc phải thường xuyên giao tiếp với nhiều người, bên cạnh đó PD còn phải lãnh đạo đội ngũ của mình làm việc hiệu quả. Kỹ năng giao tiếp sẽ giúp PD chỉ đạo công việc rõ ràng, hướng dẫn nhân vật chính cách thể hiện, diễn xuất đúng theo kịch bản một cách thoải mái.

Kiến thức về hình ảnh, quay phim

PD nên có hiểu biết tốt về bố cục, ánh sáng, màu sắc, tiêu điểm… cũng như luôn cập nhật về công nghệ quay chụp mới nhất cùng cách vận hành để đảm bảo những thước phim, hình ảnh của sản phẩm có chất lượng tốt, rõ nét nhất.

Đa nhiệm

Có thể thấy, PD có nhiều trách nhiệm trong công việc của mình. Khả năng làm việc đa nhiệm sẽ giúp PD làm nhiều công việc cùng lúc một cách hiệu quả. Ví dụ như trong quá trình ghi hình, PD phải tập trung kiểm tra những gì nhân vật chính đang nói, đồng thời để mắt đến máy quay và sự an toàn cho mọi người.

Bên cạnh đó, các tố chất như sự tự tin, khả năng thúc đẩy, khả năng tổ chức, biết cách bám sát ngân sách và tiến trình sẽ góp phần không nhỏ vào sự thành công của một PD trên con đường sự nghiệp

Làm thế nào để bắt đầu trở thành một PD?

Học vấn

Các bạn yêu thích ngành nghề này muốn được tuyển dụng việc làm có thể chọn học trường Đại học Sân khấu Điện ảnh hoặc những trường đại học có chuyên ngành Diễn xuất, Đạo diễn hoặc Quay phim như Đại học Văn Lang, Đại học RMIT. Đại học Hoa Sen cũng vừa mới bổ sung Ngành Phim cho sinh viên yêu thích nền công nghiệp điện ảnh với chương trình đào tạo trang bị kiến thức, kỹ năng về nghệ thuật, công nghệ làm phim.

Tích luỹ kinh nghiệm

Trong những bước đầu trở thành một PD chuyên nghiệp, các bạn trẻ nên tham gia vào những dự án nhỏ hoặc làm việc với vai trò phụ giúp cho đoàn làm phim để hiểu hơn về môi trường làm việc, quy trình sản xuất một chương trình chuyên nghiệp. Ngành nghề này cũng đòi hỏi bạn phải xây dựng các mối quan hệ mật thiết trong ngành và tích luỹ cho mình thật nhiều kinh nghiệm hữu ích. Chính vì thế, bạn hãy thể hiện bản thân và thiết lập các mối quan hệ khi có cơ hội.

Xác định phong cách

Một phong cách riêng, nổi bật sẽ giúp PD có chỗ đứng vững chắc trong nghề. Để làm được điều này, bạn có thể sẽ phải tiếp cận nhiều thể loại chương trình, phim ảnh khác nhau để tìm thấy phong cách thích hợp nhất cho bản thân. Một khi đã vượt qua được thử thách này, bạn có thể tập trung vào việc nắm bắt những ảnh hưởng mang lại cho bạn tầm nhìn sáng tạo, giúp bạn tạo nên các nội dung, nhân vật thật ý nghĩa, mang tính cá nhân trong từng tác phẩm của mình.

Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn hiểu hơn PD là gì cùng những trách nhiệm trong công việc, tố chất cần thiết để trở thành một PD giỏi.

Back To Top